Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Mỹ và nhiều nước khác không đồng thuận kí vào bản hiệp ước giao quyền kiểm soát Internet cho ITU

Hai trong số các thành viên của phái đoàn Mỹ ở WCIT 2012

 

Tại sự kiện WCIT 2012 đang diện ra ở Dubai, Liên minh truyền thông Quốc tế (ITU, một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc) đang xem xét lại bộ luật ra đời từ năm 1988 của mình . Tại đây, nhiều quốc gia đã nộp dự thảo thể hiện ý muốn chuyển sự kiểm soát Internet và hệ thống tên miền về tay Liên Hợp Quốc cũng như cấp thêm quyền lực để chính phủ các nước quản lý Internet trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bị vì trong một cuộc họp diễn ra ngày 13/12, nhiều nước phương Tây đã không đồng thuận với ý kiến nói trên. Họ cho rằng bản hiệp ước mới đã đưa cho ITU cũng như các chính phủ quá nhiều quyền lực.

Theo Reuters, những người đại diện cho Mỹ, Anh, Úc và nhiều quốc gia thành viên khác đã đăng đàn để lên tiếng phủ quyết việc cấp thêm quyền lực cho chính phủ mỗi nước đối với Internet và cuộc gọi điện thoại. Terry Kramer, đại sứ Mỹ ở ITU, cho biết "Hoa Kì không thể kí vào bản thỏa thuận ở dạng hiện tại".

Trước đây, một nhóm các nước do Nga dẫn đầu đã rút lại bản dự thảo nộp lên ITU có nội dung tương tự. Khoảng một tuần trước Mỹ, Canada và Liên minh Châu Âu cũng tỏ rõ thái độ phản đối những dự thảo có khả năng làm hỏng tính minh bạch của Internet. Dự kiến việc kí kết bản đồng thuận sẽ diễn ra vào ngày hôm nay (14/12) theo giờ Dubai, ngày cuối cùng của hội nghị WCIT, tuy nhiên sự vắng mặt của nhiều cường quốc kinh tế cho thấy rằng tính thực tế của dự thảo này là rất thấp.

Đại diện của Nga, ông Andrey Mukhanov, cũng là một nhân viên ngoại giao hàng đầu của Bộ viễn thông nước này, nói với Reuters rằng "Trong tương lai có thể chúng ta sẽ thấy sự phân mảnh Internet. Điều đó là không tốt cho tất cả, và tôi hi vọng những đồng nghiệp tại Mỹ, các nước Châu Âu sẽ có những đóng góp mang tính xây dựng".

Mỹ cùng một số nước khác cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục có mặt tại những diễn đàn quốc tế để thể hiện sự hỗ trợ thống nhất cho thứ mà họ gọi là "multi-stakeholder model" (tạm dịch: mô hình với sự tham gia của nhiều bên lợi ích). Trong mô hình này, các nhóm công nghiệp tư nhân sẽ là những bên đặt ra các tiêu chuẩn và họ đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển các phương tiện truyền thông.

Tariq al-Awadhi, trưởng đoàn của các nước Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), nói rằng nhóm của ông đã bị Mỹ "phản bội" vì họ đã đồng ý rút lại các bản dự thảo về việc bổ sung quyền hạn cho chính phủ đối với Internet nhưng mà "không nhận lại được gì". Awadhi cho biết bản hiệp ước đó "ảnh hưởng đến tất cả các dạng viễn thông, bao gồm giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP) cũng như những dịch vụ tin nhắn tức thời dựa trên Internet (IM)". Mặc dù vậy, Awadhi cũng có nói với các phóng viên rằng Mỹ đã có thái độ đàm phán tốt nhưng có nhiều vấn đề khiến họ không kí vào bản hiệp ước, trong đó có việc bất đồng với vai trò mới của ITU.

Sự việc nhiều nước bất ngờ phủ quyết bản hiệp ước nói trên có lẽ đã làm Tổng thư kí ITU, ông Hamadoun Touré thật vọng vì trước đây ông từng nói rằng sẽ có những chuyển biến về luật lệ Internet ở WCIT 2012. Tuy nhiên, Touré nói rằng 12 ngày họp vừa qua "đã thành công trong việc thu hút sự chú ý chưa từng có của cộng đồng" liên quan đến những khía cạnh khác biệt và quan trọng của việc kiểm soát hệ thống viễn thông toàn cầu.

Theo Reuters

Nguồn: www.tinhte.vn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Báo thế giới, nơi cung cấp các tin tức nóng hổi nhất quốc tế