Translate

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Trung Quốc - Nhật Bản sẽ đụng độ quân sự ở Hoa Đông?

(Petrotimes) - Ngay sau khi có kết quả sơ bộ về cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người được dự đoán sẽ trở thành tân thủ tướng đã tuyên bố: sẽ có quan điểm cứng rắn trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc - muốn chặn đứng thách thức từ Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này báo hiệu một căng thẳng mới giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại vùng biển Hoa Đông, thậm chí không loại trừ khả năng sẽ xảy ra xung đột ở mức độ nhất định bởi…

Từ vụ xâm phạm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Việc lần đầu tiên cáo buộc máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản (tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư) cho thấy, một cuộc khẩu chiến xung quanh vấn đề này đã và đang diễn ra, đồng thời báo hiệu một căng thẳng mới sẽ xuất hiện. Theo giới truyền thông, ngày 13/12, Bắc Kinh đưa máy bay vào vùng trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến Tokyo phải điều tới 8 máy bay chiến đấu F-15 để “giám sát tình hình”.

Biên đội tàu tuần tra Hải cảnh Trung Quốc(cảnh sát biển)

Nhưng ngay sau khi Nhật Bản chính thức phản đối vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cũng lập tức tuyên bố: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc Nhật Bản xem xét lập trường của Trung Quốc một cách nghiêm túc và chấm dứt các hành động khiêu khích hay xâm hại chủ quyền Trung Quốc”. Cũng trong ngày 13/12, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chính thức xác nhận việc một chiếc máy bay Trung Quốc đã bay qua không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đây là lần đầu tiên Trung Quốc “xâm phạm không phận Nhật Bản”.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Chikao Kawai đã triệu quyền Đại sứ Trung Quốc Hàn Chí Cường tới để phản đổi mạnh mẽ vụ máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản ngày 13/12 và 4 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản sáng cùng ngày. Thứ trưởng Chikao Kawai đã nêu quan điểm cơ bản của Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời nhấn mạnh việc không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Ông Hàn Chí Cường cũng nêu quan điểm của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và không chấp nhận kháng nghị của Nhật Bản.

Tuy khẩu chiến đã xảy ra, nhưng ngày 15/12, tân Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Masato Kitera vẫn bày tỏ tin tưởng mối quan hệ thân thiện giữa Tokyo và Bắc Kinh sẽ được khôi phục và phát triển hơn nữa trong tương lai. Đề cập đến những bất đồng về lãnh thổ gần đây giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Đại sứ Masato Kitera nhấn mạnh, đây là vấn đề rất khó nhượng bộ và Tokyo hi vọng giải quyết một cách hòa bình, cũng như cần đối thoại dựa trên tình hình chung để tăng cường mối quan hệ. Ông Masato Kitera cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới và đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng tân Đại sứ sẽ cố gắng thúc đẩy vấn đề này.

Nhiều chuyên gia nhận định, Bắc Kinhđang huyđộng cả hải quân và không quân vào cuộctranh giành chủ quyền tại quầnđảo Senkaku/Điếu Ngư. Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường sử dụng tàu tuần tra, hải giám, ngư chính để khẳng định chủ quyền ở những khu vực lãnh hải tranh chấp. Việc điều tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất - Ngư chính 206 đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (12/12) là minh chứng rõ nhất cho nhận định này.

Giới chuyên môn cho biết, chỉ trong vòng mấy ngày (từ 10 đến 15/12), Trung Quốc đã có những bước leo thang cả trên biển và trên không cùng tuyên bố công khai xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang từng bước leo thang trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và dường như Bắc Kinh đang cố tìm cách thay đổi tình trạng hiện nay ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mỹ lập tức bày tỏ quan ngại trước “sự cố” kể trên.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell tuyên bố: Điều quan trọng là phải tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng và ngăn chặn việc tính toán sai lầm có thể dẫn tới làm xói mòn hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế trong khu vực.

Những động thái đáng quan ngại

Ngày 15/12, Tân Hoa xã dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ngày 14/12, Bắc Kinh đã nộp các tài liệu tuyên bố tại vùng biển Hoa Đông lên Liên Hợp Quốc nhằm mở rộng bên ngoài khu đặc quyền kinh tế 370km tới rìa thềm lục địa, tức cách đảo Okinawa của Nhật Bản chỉ khoảng 200km. Đây được coi là động thái nhằm củng cố những lập luận pháp lý của Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản ngày một gia tăng.

Trước đó, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ nộp tài liệu này ngay sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9. Trung Quốc cho rằng, phần giới hạn thềm lục địa của nước này phải được mở rộng tới sát Nhật Bản và điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ được phép khai thác cũng như phát triển tài nguyên biển ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nếu Liên Hiệp Quốc thông qua đệ trình này.

Ủy ban Các giới hạn về thềm lục địa Liên Hiệp Quốc cho biết, sẽ bàn thảo về kiến nghị của Trung Quốc trong nghị trình tạm thời của cuộc họp dự kiến diễn ra trong tháng 7/2013. Động thái này của Trung Quốc đang khiến Mỹ hết sức quan ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng tại biển Hoa Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc nên tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời tái khẳng định: Washington sẽ không thay đổi chính sách về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 14/12, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi Nhật Bản ra lệnh cho 8 máy bay chiến đấu chặn một máy bay của Trung Quốc bay vào không phận trên quần đảo này - Tình hình có thể sẽ leo thang thành một cuộc đụng độ quân sự nghiêm trọng. Bởi Bắc Kinh cho rằng, máy bay của Trung Quốc bay trên bầu trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để cùng phối hợp với các tàu thuyền lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tuần tra chung ở khu vực đang có tranh chấp này.

Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng, cuộc tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã leo thang trong năm nay vì những “hành động khiêu khích của Nhật Bản” và Tokyo đã gây hấn khi sử dụng chiến đấu cơ đối đầu với máy bay của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc có thể cử lực lượng không quân đến khu vực kể trên và có quyền áp dụng những bước đi xa hơn bởi một thực tế mới đã hình thành xung quanh cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Nhật Bản phải chấp nhận thực tế này.

Cũng trong ngày 14/12, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura tuyên bố, Tokyo đang có kế hoạch tăng cường khả năng giám sát không phận và sẽ dùng mọi biện pháp có thể để bảo vệ không phận của mình. Ông Osamu Fujimuracũng thông báo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét để tăng cường tính hiệu quả của Hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không cũng như máy bay cảnh báo sớm E-2C.

Giới chức quốc phòng Nhật Bản thừa nhận, hệ thống giám sát trên biển của Tokyo ở biển Hoa Đông đã không phát hiện máy bay của Trung Quốc (máy bay B-3837 của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc) cho đến khi nhận được cấp báo từ lực lượng tuần duyên. Được biết, Trung Quốc tiếp tục cử tàu hải giám tới vùng biển của Nhật Bản, đồng thời ráo riết tăng cường năng lực tuần tra vùng trời tại biển Hoa Đông.

Mạng tin Sankei của Nhật Bản dẫn nguồn tin đăng trên báo Thanh niên Bắc Kinh cho biết, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã quyết định tăng cường năng lực tuần tra vùng trời trên biển Hoa Đông với kế hoạch trang bị các loại máy bay có tầm hoạt động trên 4.500km từ nay đến năm 2015.

Tàu chiến Nhật Bản, đi đầu là tàu khu trục lớp Kongo

Ngày 14/12, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin: 5 tàu chiến lớn của Hạm đội Đông Hải vừa hoàn tất đợt huấn luyện 14 ngày trong khi đội tàu ngầm đang ra sức củng cố khả năng tác chiến. Giới quân sự cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc không chỉ là nước duy nhất trên thế giới đồng thời thực hiện 2 chương trình chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5, mà còn có dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6.

Có giả định cho rằng, máy bay thế hệ 6 sẽ không có người lái và có thể được trang bị các loại vũ khí mới, bao gồm súng điện, laser và chúng sẽ có tốc độ bay thậm chí lớn hơn nhiều so với máy bay thế hệ thứ 5. Dự kiến, những chiếc máy bay thế hệ thứ 6 sẽ ra đời không sớm hơn mốc 2030 và nhiều khả năng là các công trình nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Trung Quốc đang được tiến hành ở Thẩm Dương và Thành Đô. Điều này cho thấy, Trung Quốc có tham vọng trở thành siêu cường quân sự ngang với Mỹ và trong một số lĩnh vực có thể vượt Mỹ.

Mối quan tâm của Mỹ

Trong phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Nuland tuyên bố: Vụ “máy bay xâm phạm không phận” vừa xảy ra cho thấy tầm quan trọng của việc Nhật Bản và Trung Quốc phải thông qua đối thoại để giải quyết tranh chấp. Cả hai bên cần thông qua đối thoại để đảm bảo không tái diễn những vụ việc tương tự, không làm cho tình hình căng thẳng hơn.

Được biết, Mỹ vừa quyết định bán cho Nhật Bản 2 hệ thống chống tên lửa Aegis để trang bị cho tàu hộ vệ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, giúp Tokyo hoàn thành mục tiêu trang bị hệ thống chống tên lửa cho tất cả các tàu hộ vệ. Hệ thống Aegis của Mỹ được coi là “lá chắn trên biển” và việc này diễn ra khi có tin nói rằng, Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến lược phát triển biển xa.

Giới quân sự cho rằng, mặc dù Hải quân Trung Quốc có 62 tàu ngầm, trên 70 tàu hộ vệ và khu trục, đã biên chế tàu sân bay Liêu Ninh, cùng nhiều tên lửa chống hạm… nhưng vẫn kém Nhật Bản. Do đó, Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa hiện đại để hậu thuẫn cho những đòi hỏi chủ quyền đối với các hòn đảo trên biển Hoa Đông và biển Đông.

Trước đó giới truyền thông cho biết, từ 8 đến 10/12, tân Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát và làm việc tại đại quân khu Quảng Châu và Hạm đội Nam Hải. Động thái này được giới quân sự cho là dấu hiệu của việc Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển sức mạnh quân sự về phía nam.

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc muốn lập luật riêng trên biển. Còn tờ Philippine Daily Inquirer (Philippines) nhận định, hành động ngang nhiên xét tàu ở vùng biển tranh chấp, tịch thu tàu cá và đòi bồi thường chẳng khác gì một nước bá chủ đối xử với nước chư hầu ngày xưa.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh


Nguồn: www.petrotimes.vn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Báo thế giới, nơi cung cấp các tin tức nóng hổi nhất quốc tế