Translate

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Mỹ có thể rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan sau 2014

Nhiều động thái cho thấy Mỹ sẽ chỉ triển khai từ 3.000 - 6.000 quân tại Afghanistan, so với đề nghị 15.000.

(Ảnh: Fox News)

Chính phủ Mỹ ngày 8/1 tuyên bố, nước này không loại trừ khả năng rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan sau năm 2014. Tuyên bố đưa ra chỉ vài ngày trước chuyến thăm 3 ngày của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tới Mỹ và trong bối cảnh Taliban cảnh báo sẽ gây chiến lâu dài nếu vẫn còn binh lính nước ngoài ở Afghanistan sau năm 2014.

Khi được hỏi về khả năng toàn bộ các lực lượng an ninh Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm sau, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, đó có thể là một khả năng. Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đề cập khả năng rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, trong bối cảnh, Bộ tham mưu quân sự Mỹ tại khu vực yêu cầu duy trì khoảng 15.000 binh sĩ sau năm 2014. Ông Ben Rhodes cũng nhấn mạnh, không nên kỳ vọng quá nhiều vào cuộc gặp ngày mai (10/1) giữa Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời cho rằng, cuộc gặp này sẽ không một quyết định nào liên quan tới lịch trình rút quân được đưa ra trước nhiều tháng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đã có quyết định của mình khi bổ nhiệm ông Chuck Hagel, người có lập trường ủng hộ việc cắt giảm một số lượng lớn binh sĩ đồn trú làm người đứng đầu Bộ Quốc phòng nước này.

Mới đây nhất, một quan chức Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Obama nhiều khả năng chỉ đồng ý triển khai từ 3.000 - 6.000 quân tại Afghanistan, không kể số binh sỹ bảo vệ Đại sứ quán, thấp hơn nhiều so với đề nghị khoảng 15.000 quân của Tư lệnh Mỹ tại Afghanistan, tướng John Allen.

Về phần mình, chính phủ Afghanistan dù vẫn khẳng định mối quan hệ đồng minh với Mỹ, song cũng phải thừa nhận, sự có mặt của quân đội Mỹ tại khu vực đã gây ra nhiều hệ lụy. Theo bà Shukria Barakzai, nghị sĩ quốc hội và là chuyên gia phân tích chính trị Afghanistan, Chính phủ Mỹ cần đưa ra một quyết định có trách nhiệm.

“Chúng tôi đã phải trả giá nhiều cho mối quan hệ đồng minh với Mỹ, đặc biệt là trong quan hệ với các nước láng giềng. Afghanistan luôn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và tôi hy vọng, Mỹ cũng sẽ hiểu được cái giá mà Afghanistan phải trả cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Afghanistan và Mỹ”.

Trong khi đó, người dân Afghanistan có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

“Sự có mặt của quân đội Mỹ tại Afghanistan trong thời gian qua cũng phần nào đó giúp đảm bảo an ninh đất nước, ngăn chặn nguy cơ nội chiến, điều mà chúng tôi từng trải qua trước đây. Vì thế tôi cho rằng, vai trò lâu dài của Mỹ là cần thiết tại Afghanistan”.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ trang bị cho quân đội Afghanistan những loại vũ khí chất lượng cao. Là một người Hồi giáo Afghanistan, tôi không muốn sự có mặt lâu dài của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình”.

Chính vì thế, theo các nhà phân tích, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Afghanistan lần này có nhiều ý nghĩa quan trọng, nhất là khi nó diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban đang đứng trước những cơ hội mới, sau 10 tháng lâm vào bế tắc. Nhóm nổi dậy Taliban dù phản đối sự can thiệp của nước ngoài song đã có tư tưởng cởi mở hơn đối với các cuộc hòa đàm, trong khi Pakistan, vốn lâu nay bị chỉ trích hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở Afghanistan cũng có những động thái cho thấy sự ủng hộ đối với những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại nước láng giềng.

Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Afghanistan Zalmay Rassoul cho rằng, đây là “một trong những chuyến đi quan trọng nhất bởi các cuộc thảo luận sẽ xác định tương lai quan hệ giữa Mỹ và Afghanistan”, cũng như các cuộc đàm phán hòa bình tại quốc gia Nam Á này./.

 

Nguồn: vov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Báo thế giới, nơi cung cấp các tin tức nóng hổi nhất quốc tế