Translate

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Chiến đấu cơ F-35 chậm có mặt ở châu Á

TT - Các đồng minh châu Á của Mỹ lo ngại khi khó có thể nhận được các máy bay chiến đấu thế hệ mới F-35 đúng hạn, trong khi Trung Quốc lại đang chi mạnh cho quốc phòng và thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31.

Một chiếc F-35 đang được hoàn thiện tại nhà máy của Lockheed Martin ở Texas (Mỹ) - Ảnh: Reuters

Dự án máy bay chiến đấu F-35 được cho là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử khi tiêu tốn lên đến 400 tỉ USD của Washington. Nhà thầu chính của dự án là Tập đoàn Lockheed Martin. Theo Reuters, dự án này thời gian qua đã vướng phải nhiều vấn đề như trục trặc kỹ thuật, chi phí đội lên dẫn đến chậm trễ và nay là việc Chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu.

Nhu cầu thay máy bay cũ

Tuy vậy, Nhật Bản tuyên bố sẽ không có thay đổi gì trong kế hoạch mua 42 máy bay F-35. Hàn Quốc vẫn được trông đợi là sẽ quyết định chọn mua 60 chiếc F-35 trong mùa hè này. Vài tuần tới, Singapore có thể quyết định đặt hàng hơn chục chiếc. Úc cũng đã đặt hàng 100 chiếc F-35 nhưng các chuyên gia quốc phòng nói nước này có thể sẽ chỉ mua 50-70 chiếc vì Canberra đang có ý định tăng gấp đôi phi đội 24 chiếc Boeing Co F/A-18 Super Hornet hiện nay.

Lockheed Martin, như Reuters cho biết, đã liên tục trấn an các khách hàng châu Á là họ sẽ giao các máy bay F-35 vào khoảng năm 2017. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng kể cả sau thời điểm cam kết năm năm thì Mỹ vẫn không thể giao kịp số lượng F-35 theo đơn đặt hàng. Hơn nữa, ngay cả khi bốn nước kể trên mua F-35 với đúng số lượng dự tính thì loại chiến đấu cơ hiện đại này cũng chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số chiến đấu cơ ở châu Á.

Tình hình này sẽ khiến các nước, nhất là Nhật và Hàn Quốc, phải tiếp tục dựa vào đội máy bay cũ hiện có. Thế nhưng, các quan chức và chuyên gia Nhật lại cho rằng Tokyo không có gì phải hốt hoảng trước việc Trung Quốc có máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại. Tướng về hưu Toshiyuki Shikata hiện là giáo sư Trường đại học Teikyo nhận định: “Năng lực quân sự nằm ở chỗ bạn đứng đâu trong sự tương quan với đối phương”. Nhật Bản đang nâng cấp phi đội khoảng 200 chiếc Boeing F-15, loại máy bay chiến đấu chính của Tokyo.

Những khó khăn của Trung Quốc

Trong khi đó, Trung Quốc lại đang chi mạnh cho công nghệ quốc phòng, đặc biệt là không lực. Trung Quốc đang cho thử nghiệm hai loại máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31. Nhưng theo các chuyên gia không quân, những loại máy bay này vẫn chưa thể làm nhiệm vụ ngay, ít nhất là tới cuối thập niên này. “Những loại máy bay này thật sự hiện đại và tinh vi tới mức nào hiện vẫn là một câu hỏi mở” - nhà phân tích chiến lược cấp cao Andrew Davies thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định.

Giới phân tích phương Tây tỏ ra nghi ngờ máy bay chiến đấu của Trung Quốc khó có thể sánh với F-35 của Mỹ. Trung Quốc cũng đang gặp nhiều trở ngại về kỹ thuật và sản xuất. Theo Reuters, ngoài các thách thức về thiết kế và vận hành máy bay tàng hình, Trung Quốc cũng đang phải tìm cách khắc phục các thiếu sót về động cơ do trong nước sản xuất. Do chưa thể chế tạo được động cơ cho máy bay chiến đấu hiện đại, Trung Quốc buộc phải phụ thuộc nhiều vào động cơ do Nga sản xuất.

Các chuyên gia quân sự cho biết các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc cũng đang phải nghiên cứu cách thức mà Mỹ và các đồng minh phương Tây tấn công đối phương ở Balkans và Trung Đông. Trong các cuộc xung đột này, hệ thống phòng không kết hợp không kích và tên lửa, thông tin liên lạc và các căn cứ không quân đã giúp Mỹ kiểm soát được bầu trời, khiến đối phương mất khả năng phòng thủ. Reuters cho biết Trung Quốc cũng đang phải tìm cách xây dựng một hệ thống phòng không tích hợp với các khẩu đội tên lửa đất đối không do trong nước và Nga sản xuất.

 

 

Indonesia tăng ngân sách quốc phòng năm 2013

Indonesia dự định mua 16 máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga cùng các tàu tuần tra có trang bị tên lửa do trong nước sản xuất. Đây là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân đội trong năm năm tới của nước này với tổng chi phí 15 tỉ USD. Hiện Indonesia đã có hơn 10 chiến đấu cơ Sukhoi.

Theo Reuters, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã tăng mạnh ngân sách quốc phòng từ năm 2010 nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các tuyến đường biển, hải cảng và biên giới trên biển của mình. Chi tiêu quốc phòng năm 2012 của Indonesia đã tăng 30% so với năm 2011 và đạt mức 72.500 tỉ rupiah (khoảng 7,54 tỉ USD). Năm nay, con số này có thể tăng lên 77.700 tỉ rupiah (khoảng 7,98 tỉ USD).

Các bài liên quan:

http://phadocongtrinh.co/thu-mua-giay-phe-lieu/a206548.html

Tin quốc tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Báo thế giới, nơi cung cấp các tin tức nóng hổi nhất quốc tế