Translate

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Đối mặt với "bom nổ - chết"

Gần 15 năm làm nghề rà phá bom mìn vật liệu nổ gắn bó với tổ chức MAG, Trần Thị Thảo – cô gái trẻ, đẹp ngày nào giờ đã là mẹ của hai cậu con trai – vẫn mặn mà vẻ đẹp của miền đất nắng gió.

Thảo đưa một quả đạn pháo vừa tìm được vào hố chứa.

Nhưng thẳm sâu trong đôi mắt của “cô gái rà bom” vẫn ánh lên nỗi cảnh giác thường trực của cái nghề từng khoảnh khắc đối mặt với “bom nổ - chết”. “Công việc đúng là quá nguy hiểm, nhưng đã say nghề thì cũng quên sợ mà phải tỉnh táo từng khoảnh khắc để “bom nổ - không chết”. Mình đi phá bom để xây trường học, bệnh viện... Nhìn những vườn hoa tuơi đẹp mọc lên từ những hố bom mình thấy rất vui, những giây phút chết chóc lạnh người rình rập như lùi xa…” – Thảo đã sẻ chia với tôi về nghề rà phá bom mìn như vậy.

Bom nhiều hơn khoai

Mảnh đất Quảng Trị đau thương trong chiến tranh, dù đã sau hơn 35 năm hòa bình vẫn còn rất nhiều người dân lành, phần nhiều là phụ nữ và trẻ em, bị chết vì bom mìn còn lại từ cuộc chiến. Người dân canh tác, sản xuất – bom nổ - chết. Người đi rà tìm sắt thép phế liệu chiến tranh để mưu sinh – bom nổ - chết. Học sinh chơi đùa trên sân trường – bom nổ - chết...

Những bản tin như vậy, cho đến tận lúc này vẫn xuất hiện đều trên các phương tiện truyền thông. Một khảo sát của các tổ chức quốc tế cho biết cần phải mất thêm 200 năm nữa mới có thể rà phá hết vật liệu chưa nổ trên đất Quảng Trị nếu vẫn chỉ duy trì tốc độ rà phá, tìm kiếm như hiện nay. Hiện ở Quảng Trị có nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế tổ chức rà tìm vật liệu chưa nổ, nhưng MAG – nhóm cố vấn bom mìn đến từ Vương quốc Anh – là tổ chức có thâm niên lâu nhất, có quy mô và hiệu quả hoạt động rà tìm vật liệu chưa nổ tốt nhất.

Đội quân rà tìm bom mìn của MAG ở Quảng Trị có 8 người là phụ nữ. Trong số đó, Trần Thị Thảo nổi lên không chỉ là người có nhan sắc mà còn là một cô gái gan dạ, thông minh, tận tâm với công việc. Chức vụ đội phó mà MAG trao cho chị với đội ngũ nhân viên đa số là... đàn ông chính là minh chứng cho năng lực và sự “say nghề” như Thảo nói. “Hồi mới giải phóng, nhà Thảo ở ngay Thành cổ Quảng Trị, để trồng được khoai phải hốt bom bi hết rổ này đến rổ khác.

Mẹ Thảo cuốc lật từng lát một, để trồng được một luống rau khoai mất nhiều ngày trời. Ngày nào cũng nghe, thấy người bà con, hàng xóm chết, bị thương vì bom bi nổ. Đi học cấp 2, cấp 3 rồi vẫn giúp mẹ làm vườn, giúp mẹ nhặt bom bi, đạn M79. Xong cấp 3, nghe tin MAG tuyển nhân viên rà phá bom mìn. Thế là dự tuyển. Họ phỏng vấn tại sao muốn làm nghề này, Thảo nói rằng sinh ra, lớn lên trên mảnh đất chịu nhiều đau thương do chiến tranh, con người ta ai cũng phải nỗ lực để học cách sống, kế mưu sinh ngay chính trong khó khăn, thậm chí cả sự chết chóc. Thảo muốn tham gia nghề rà tìm vật liệu chưa nổ (VLCN) vì cùng với việc có thu nhập tương đối khá còn là cơ hội để trả nghĩa cho đất Quảng Trị quê hương” – Thảo kể và quay mặt lau những giọt nước mắt chảy dài trên má, cố kìm tiếng khóc nấc khi chuyện trò với tôi.

Đối mặt tử thần

Một ngày mới với Thảo bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng. Nhà ở cách trung tâm chỉ huy MAG Quảng Trị chừng hai chục cây số. Thảo lén con nhỏ, dậy từ lúc 4 giờ, nấu cháo cho con, để sẵn ở nhà. Rồi ăn sáng từ lúc... chưa sáng. Chạy xe máy để có mặt tại sở chỉ huy trước 6 giờ sáng. Thảo nói: “Gặp nhau, anh chị em trong đội chào hỏi nhau vài câu, kể vài “chuyện vui” trong đêm (nếu có), đúng 6 giờ, quân lệnh như sơn, kể từ đó trở đi, không ai được phép để xảy ra bất cứ một sai sót nhỏ nào, một tích tắc mất tập trung nào; vì chỉ cần một tích tắc mất tập trung thì hậu quả là vô cùng lớn, bom nổ trong lúc đang rà tìm, tập kết, vận chuyển, hủy nổ thì cái chết không chỉ là với một hay vài người, mà có khi là cả xóm, thôn...”.

Xe ôtô chở các đội rà phá bom rời sở chỉ huy lúc 6 giờ 30, họ đến hiện trường và làm việc, không nghỉ trưa, đến 16 giờ thì thu dọn đưa sản phẩm về bãi nổ; “khi bom nổ xong thì mọi người mới thở phào, cười vui với nhau được, vậy là có thêm một ngày an toàn” – Thảo nói.

Phụ nữ làm việc ở MAG Quảng Trị thì nhiều, nhưng đa số làm các công việc y tế, văn phòng, còn trực tiếp rà tìm bom mìn thì chỉ có 8 chị, chia đều ra ở các đội, trong đó Thảo là nữ nhân viên có chức vụ cao nhất trong 8 chị - Đội phó. Khi tôi hỏi lên chức đội phó thì khác hồi làm nhân viên thế nào, Thảo bảo rằng khác nhất là trách nhiệm rất nặng nề, trước đây mình chỉ lo cho mình thôi, bây giờ phải lo cho nhiều người khác nữa, nhưng nặng nề hơn cả là áp lực làm sao đảm bảo an toàn, không để xảy ra tai nạn trong quá trình rà tìm bom mìn.

Một tuần sẽ có một lần báo động bom nổ ở vị trí X, kịch bản không hề có trước, mỗi lần là một hoàn cảnh, vị trí khác nhau, khác đến nỗi không một nhân viên nào nghĩ rằng đó là báo động giả. Thâm niên trong nghề cả chục năm rồi vẫn không dám nghĩ có chuyện báo động giả được. Chỉ riêng chuyện đó cũng đủ làm đau đầu người lãnh đạo rồi. “Mỗi lần báo động như vậy, các lực lượng cứu hộ, y tế phải thực hiện hoàn chỉnh kịch bản ứng cứu trong một giới hạn thời gian rất ngắn, có khi phải ứng cứu người bị nạn lên đến hàng chục. Nhân viên nào không đáp ứng các yêu cầu thực hiện kịch bản báo động thì bị sa thải khỏi vị trí”.

Tôi hỏi: “Đã có khi nào xảy ra sự cố chưa?”.

Thảo cười vang: “Vậy thì làm sao còn có em ngồi đầy mà chuyện trò được nữa. Hồi mới vào nghề, chưa đầy 20 tuổi, có duy nhất một lần giữa trưa nắng như đổ lửa trên bãi cát ở Quán Ngang (cạnh hàng rào điện tử M.Namara – Dốc Miếu – Gio Linh), trên người mặc đồ giáp, đầu đội mũ bảo hộ kín mít, nóng quá, chịu không nổi, em đưa tay lột mũ ra, trong khi bên dưới bom bi la liệt như... khoai lang. Ông cố vấn kỹ thuật người Anh đứng ngoài theo dõi đã hét lên bằng tiếng Việt “Thảo”, tôi khiếp sợ, và đến lúc này tiếng thét tên tôi vẫn cứ văng vẳng bên tai...”.

Hoa mọc từ hố bom

Hôm gặp tôi ở hiện trường rà tìm bom mìn ở một làng ở xã Gio Thành – huyện Gio Linh, Thảo kể: “Mỗi lần đi qua ngôi trường mẫu giáo ở Vĩnh Linh, chúng tôi thật không thể tin vào mắt mình nữa, mới ngày nào là chồng chất bom mìn chưa nổ, giờ là cả một khu trường khang trang, đẹp đẽ, rộng lớn, ngay trên những hố bom mà ngày trước chúng tôi đào lên, giờ thầy cô ở đó đã trồng rất nhiều hoa. Tôi thấy lâng lâng niềm vui xen lẫn tự hào. Tôi nhớ về những buổi trưa dưới nắng gắt và gió Lào, chị em vẫn phải cặm cụi làm việc xuyên trưa... đầy hiểm nguy, cực khổ”. Hàng chục ngôi trường, trạm y tế đã mọc lên trên những hố bom mà Thảo và đồng đội đã phải vượt qua những giây phút căng thẳng cực độ để rà phá bom.


MAG là viết tắt của Mines Advisory Group - nhóm cố vấn về bom mìn của Anh, chuyên trợ giúp các nước rà soát và tháo gỡ các vật liệu chưa nổ (UXO). MAG có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực này tại 15 quốc gia trên thế giới. Hiện MAG đang hoạt động tại Angola, Azerbaijan, Campuchia, Iraq, Lào, Lebanon, Sudan... Bà Portia Strattion - Giám đốc Quốc gia dự án MAG - cho biết: MAG đã triển khai hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999, đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị, sau đó tại tỉnh Quảng Bình từ năm 2003. Cho đến nay, chúng tôi đã thu dọn/rà phá được 175.000 VLCN. Hơn một triệu người dân tại nhiều thôn, xã, và huyện ở 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình đã được hưởng lợi và thoát khỏi mối đe dọa về thể chất cũng như tinh thần từ kết quả này. Việc rà phá VLCN giúp cho người dân và cộng đồng tiếp cận được những vùng đất an toàn để triển khai các hoạt động sinh kế, xây dựng trường học, trung tâm y tế…và các dự án phát triển kinh tế xã hội.

Các bài liên quan:

http://phadocongtrinh.co/thu-mua-giay-phe-lieu/a206548.html

Tin quốc tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Báo thế giới, nơi cung cấp các tin tức nóng hổi nhất quốc tế