Translate

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Tiếng súng nổ và tảng băng ngoại giao

Chính phủ I-ta-li-a ngày 21-3 thông báo sẽ đưa hai lính thủy đánh bộ bị cáo buộc bắn chết hai ngư dân Ấn Độ trở lại Niu Đê -li để chờ xét xử. Động thái này đã mở ra cơ hội giải quyết dứt điểm vụ việc từng gây ra tình trạng ngoại giao băng giá giữa I-ta-li-a và ấn Độ trong suốt hơn một năm qua.

 

Căng thẳng giữa Rô-ma và Niu Đê-li bắt đầu nảy sinh từ ngày 15-2-2012 khi Ma-xi-mi-li-a-nô La-tô-rê (Massimiliano Latorre) và Xan-va-tô-rê Gi -rô-nê (Salvatore Girone), hai lính thủy đánh bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ trên tàu chở dầu "Enrica Lexie" của I-ta-li-a, nổ súng giết chết hai ngư dân ấn Độ do nhầm tưởng họ là cướp biển ở ngoài khơi bang Kê-ra-la của Ấn Độ. M.La-tô-rê và X.Gi-rô-nê sau đó đã bị nhà chức trách Ấn Độ bắt giữ với cáo buộc giết người.

Hai lính thủy đánh bộ M.La-tô-rê và X.Gi-rô-nê tại Rô-ma ít ngày trước khi được đưa trở lại ấn Độ. Ảnh:AP

TheoTân Hoa xã, chỉ vài giờ sau khi cảnh sát bang Kê-ra-la đưa ra cáo buộc nói trên, Chính phủ I -ta-li-a đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Ấn Độ về Rô -ma để tham vấn. Bộ Ngoại giao I-ta-li-a cũng triệu Đại sứ ấn Độ tại Rô-ma Đa -ba-rát-ta Xa-ha (Dabarata Saha) tới để phản đối việc hai quân nhân của mình bị giam giữ, đồng thời thể hiện quan điểm rằng, những diễn biến pháp lý tại Ấn Độ trong vụ việc này là "không thể chấp nhận".

I-ta-li-a một mực khẳng định vụ nổ súng xảy ra trên hải phận quốc tế, bởi vậy Ấn Độ không có quyền tài phán đối với vụ việc và hai lính thủy đánh bộ nói trên cần phải được tòa án I-ta-li-a xét xử. Trong khi đó, Ấn Độ lại cho rằng, hai quân nhân I-ta-li-a đã sát hại những ngư dân ấn Độ không có vũ khí ở "vùng biển tiếp giáp lãnh hải" thuộc quyền tài phán của ấn Độ.

Những tranh cãi, bất đồng về thời gian và địa điểm xét xử hai lính thủy đánh bộ I-ta-li-a cũng là nguyên nhân khiến trong năm 2012 và cả đầu năm 2013, Rô-ma và Niu Đê -li đã nhiều lần phải triệu tập Đại sứ của nhau tới để phản đối và thể hiện chính kiến của mình đối với vụ việc đồng thời cũng đẩy quan hệ giữa hai bên rơi vào tình trạng căng thẳng.

Giữa tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng I-ta-li-a Dam-pao-lô Đi Pao-lô (Giampaolo Di Paolo) thậm chí còn tới ấn Độ để thăm M.La -tô-rê và X.Gi-rô-nê, đồng thời gia tăng sức ép để hai quân nhân này được về nước đón Giáng sinh.AFPkhi ấy dẫn lời một thẩm phán thuộc Tòa án bang Kê -ra-la cho biết, ấn Độ đã đồng ý cho M.La-tô-rê và X.Gi-rô-nê về nước theo đề xuất của phía I-ta-li-a với điều kiện hai binh sĩ này phải nộp một khoản tiền bảo lãnh. Sau kỳ Giáng sinh vui vẻ với gia đình và người thân tại I -ta-li-a, M.La-tô-rê và X.Gi -rô-nê cũng đã quay trở lại Ấn Độ đúng hẹn.

Đầu năm 2013, hai lính thủy đánh bộ này lại một lần nữa được Niu Đê -li cho phép về nước để tham gia cuộc tổng tuyển cử của I-ta-li-a. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong lần thứ hai được về quê nhà, hai lính thủy đánh bộ bị cáo buộc giết người này đã không “trả phép” đúng hạn theo yêu cầu của Ấn Độ. Dư luận Ấn Độ phản đối dữ dội, gọi đó là một hành động “trốn tội”. Thủ tướng ấn Độ Man-mô-han Xinh (Manmohan Singh) ngày 13-3 đã lên tiếng yêu cầu các nhà chức trách I-ta-li-a tôn trọng những cam đoan của họ và đưa M.La-tô-rê và X.Gi-rô-nê quay trở lại Ấn Độ hầu tòa.

Căng thẳng lên đến cao trào khi giữa tháng Ba vừa qua, I-ta-li-a tuyên bố sẽ hủy bỏ những cam kết đưa M.La-tô-rê và X.Gi rô-nê trở lại Niu Đê -li, đồng thời khuyến cáo các công dân nước này cần "giữ thái độ đề phòng và cẩn trọng cũng như tránh xa các nơi tụ tập công cộng", đặc biệt là ở bang Kê-ra-la, một trong những danh thắng thu hút nhiều du khách nhất ở miền Nam Ấn Độ.

Ngoài ra, Rô-ma cũng "để ngỏ" trách nhiệm xem xét vụ việc cho một tòa án trọng tài quốc tế.

Động thái trên đã khiến ấn Độ phản ứng quyết liệt và đáp trả bằng cách cấm Đại sứ I-ta-li-a Đa-ni-en Man-xi-ni (Daniele Mancini) rời khỏi quốc gia Nam á này khi chưa được cho phép. I-ta-li-a đã gọi quyết định này là sự vi phạm một hiệp định về miễn trừ ngoại giao. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao I-ta-li-a khẳng định: “Quyết định ngăn cản Đại sứ của chúng tôi rời khỏi Ấn Độ nếu không có sự đồng ý của Tòa án Tối cao rõ ràng là vi phạm công ước Viên về quan hệ ngoại giao”.

Tuy nhiên, trong khi người ta đang cố gắng phỏng đoán về những hành động gây căng thẳng tiếp theo thì ngày 21-3, Chính phủ I-ta-li-a bất ngờ thay đổi cách giải quyết vụ việc khi tuyên bố đồng ý trao hai lính thủy đánh bộ cho ấn Độ. Quyết định này được đưa ra sau khi I-ta-li-a nhận được cam kết bảo đảm bằng văn bản từ phía chính quyền ấn Độ, rằng "các quyền cơ bản" của hai quân nhân M.La -tô-rê và X.Gi -rô-nê sẽ được tôn trọng.

Được biết, M.La-tô-rê và X.Gi -rô-nê đã rời I-ta-li-a trong ngày 22-3 và sau khi đến ấn Độ, hai người này sẽ trú tại Đại sứ quán I-ta-li-a ở Niu Đê -li.

Rõ ràng, câu chuyện liên quan đến cáo buộc nhằm vào hai lính thủy đánh bộ của I-ta-li-a không đơn thuần chỉ là một vụ “vô tình nổ súng gây chết người”. Cách tiếp cận và xử lý vấn đề cho thấy, I-ta-li-a đã và đang cố gắng bảo vệ “uy tín quốc gia” cũng như hai quân nhân của mình. ở phía đối diện, ấn Độ cũng quyết tâm “tìm lại công bằng” cho hai ngư dân đã thiệt mạng, đồng thời trấn an dư luận trong nước và thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án Tối cao trong việc bảo vệ dân thường.

Cũng vì thế mà ngay cả khi M.La-tô-rê và X.Gi-rô-nê được đưa trở lại Niu Đê -li, tảng băng ngoại giao ngăn cách ấn Độ và I-ta-li-a chưa chắc đã tan nếu như đôi bên không thể tìm thấy sự đồng thuận trong phương thức xét xử hai lính thủy đánh bộ này.

VŨ HÙNG

Các bài liên quan:

http://phadocongtrinh.co/thu-mua-giay-phe-lieu/a206548.html

Tin quốc tế

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Báo thế giới, nơi cung cấp các tin tức nóng hổi nhất quốc tế