Translate

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Trở ngại trong tiến trình hòa giải ở Y-ê-men

Đại diện các phe phái ở Y-ê-men dự lễ khởi động đối thoại dân tộc.

 

Hàng trăm đại diện các đảng phái chính trị ở Y-ê-men, gồm cả những lực lượng chủ trương ly khai cho khu vực miền nam, các phần tử nổi dậy người Hồi giáo dòng Si-ít ở miền bắc, cùng các tổ chức xã hội dân sự đã góp mặt trong lễ khai mạc cuộc đối thoại dân tộc, tổ chức tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô Xa-na hôm 18-3. Cuộc đối thoại dân tộc dự kiến tiến hành trong sáu tháng tới, do LHQ đóng vai trò trung gian. Mục tiêu là thảo luận nội dung dự thảo Hiến pháp mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và QH dự kiến diễn ra tháng 2-2014. Đây được xem là sự kiện mang tính lịch sử đối với quốc gia Bắc Phi này, bởi cuộc đối thoại dân tộc (dự kiến tổ chức từ tháng 11-2012) đã bị hoãn nhiều lần do Phong trào miền nam tẩy chay và chỉ được khởi động dưới sức ép của LHQ, nhằm tháo ngòi bế tắc chính trị kéo dài gần hai năm qua ở Y-ê-men.

Là quốc gia duy nhất trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi đến thời điểm này thoát "kịch bản bạo lực" của làn sóng "Mùa xuân A-rập", sau khi cựu Tổng thống A.Xa-lê hồi tháng 11-2011 ký thỏa thuận từ bỏ quyền lực sau 33 năm cầm quyền, giúp chấm dứt các cuộc biểu tình kéo dài gần một năm tại Y-ê-men. Theo thỏa thuận được LHQ dàn xếp, ông M.Ha-đi được giao nắm quyền Tổng thống trong giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, vượt qua "cơn lũ" lật đổ chính quyền quét qua khu vực không đồng nghĩa việc Y-ê-men tránh được hệ lụy chung, đó là sự chia rẽ nội bộ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị, nhất là các nhóm chủ trương ly khai ở miền nam nước này.

Đây cũng là trở ngại lớn nhất trong tiến trình hòa giải dân tộc vừa được khởi động ở Y-ê-men. Có ý kiến chuyên gia nhận định, Y-ê-men từng có thời kỳ ổn định dưới "bàn tay sắt" của chính quyền Xa-lê đã thủ tiêu những tư tưởng ly khai. Bối cảnh chính trị hiện nay dường như đang tạo môi trường thuận lợi để các lực lượng trỗi dậy. Nhóm ly khai Phong trào miền nam, đứng đầu là cựu Tổng thống A.Ba-ít, từng tuyên bố chủ trương thành lập hai nhà nước độc lập ở miền bắc và miền nam Y-ê-men. Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ ý tưởng này đã nổ ra, nhất là ở thành phố thủ phủ miền nam A-đen. Từ năm 2007, Phong trào miền nam đã trở thành một tổ chức chống đối chính quyền Xa-lê mạnh mẽ và đưa ra những yêu sách ngày càng cực đoan. Với nỗ lực của Tổng thống lâm thời Ha-đi và đặc phái viên LHQ, lực lượng này đã chấp thuận tham gia đối thoại dân tộc. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, các cuộc đối thoại chỉ thành công khi chính phủ đáp ứng các yêu sách của Phong trào miền nam, trong đó có việc phục chức hoặc bồi thường cho hàng chục nghìn viên chức, quân nhân và cảnh sát bị sa thải dưới thời chính quyền Xa-lê.

Một trở ngại nữa được giới phân tích chỉ rõ, đó là vai trò của cựu Tổng thống Xa-lê trên chính trường, khi ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC). Trong bối cảnh các đối thủ chính trị không chấp thuận vị trí của ông Xa-lê trong GPC và kêu gọi ông rút hoàn toàn khỏi chính trường Y-ê-men, các cuộc đối thoại hòa giải sẽ tiếp tục bị phủ bóng đen bởi sự chia rẽ và tranh giành quyền lực. Ngoài ra, mâu thuẫn kéo dài dẫn tới xung đột, thậm chí là hận thù giữa hai lực lượng Hồi giáo dòng Si-ít và Xun-nít cũng là nhân tố có thể ảnh hưởng tiêu cực tiến trình hòa giải dân tộc ở Y-ê-men...

Nhằm gây sức ép để sớm khởi động hòa giải dân tộc ở Y-ê-men, giữa tháng 2 vừa qua, LHQ cảnh báo sẽ trừng phạt bất kỳ đảng phái nào cản trở cuộc đối thoại này. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun khẳng định đây là cơ hội lịch sử cho người dân Y-ê-men, nhằm thúc đẩy hòa giải, xây dựng lòng tin, xóa bỏ bất bình và hận thù vì sự phát triển của Y-ê-men.

Các bài liên quan:

http://phadocongtrinh.co/thu-mua-giay-phe-lieu/a206548.html

Tin quốc tế

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Báo thế giới, nơi cung cấp các tin tức nóng hổi nhất quốc tế