Translate

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Bun-ga-ri, "con bệnh" thứ hai sau Hy Lạp

Một cuộc biểu tình tuần hành ở Thủ đô Xô-phi-a (Bun-ga-ri).

 

Một lực lượng lớn cảnh sát được huy động để giữ gìn trật tự, nhưng vẫn không thể ngăn chặn làn sóng biểu tình và đụng độ bạo lực kéo dài, khiến nhiều người chết và bị thương. Áp lực từ các cuộc biểu tình đã buộc Thủ tướng B.Bô-ri-xốp và chính phủ đương nhiệm phải từ chức. Mặc dù vậy, các cuộc biểu tình vẫn nóng bỏng để phản đối giá cả sinh hoạt tăng mạnh và sự độc quyền của giới tư bản nước ngoài. Các nhà chính trị và xã hội học cảnh báo, Bun-ga-ri có nguy cơ lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài, đất nước đang bên bờ vực của sự hỗn loạn và trở thành cái lò bất ổn chính trị thứ hai ở khu vực Nam Âu, sau Hy Lạp. Diễn tiến trên chính trường Bun-ga-ri và hậu quả của các cuộc biểu tình hiện nay là không thể lường trước được.

Sau sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu năm 1990, chính trường Bun-ga-ri đã có những diễn biến khác với các nước ở khu vực Đông và Nam Âu. Những nhóm người lên nắm quyền lãnh đạo thường có sắc thái chính trị đa dạng khác hẳn nhau. Năm 1997, Liên minh dân chủ cơ đốc giáo của lực lượng dân chủ đã thay thế Đảng Cộng sản lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Năm 2001, Phong trào dân tộc Simeon II mới thành lập giành 43% số phiếu bầu đã lên cầm quyền với hứa hẹn trong vận động tranh cử là sẽ cải thiện rõ rệt mức sống dân chúng trong vòng 800 ngày, nhưng không làm được bao nhiêu và năm 2009 đã bị thay thế bằng chính phủ của Thủ tướng B. Bô-ri-xốp, nguyên Thị trưởng thành phố Xô-phi-a. Ông Bô-ri-xốp nhậm chức Thủ tướng tháng 7-2009 cũng hứa hẹn sẽ hiện đại hóa đất nước nghèo nhất EU này, nâng thu nhập của người dân lên mức trung bình của EU và đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả hơn. Với chính sách thắt lưng buộc bụng, Chính phủ của Thủ tướng Bô-ri-xốp đã giữ được thâm hụt ngân sách dưới mức trần 3% GDP, nhưng lại đẩy nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh sống nghèo khó dưới mức trung bình của EU.

Sự bùng nổ kinh tế ở Bun-ga-ri hầu như chỉ giúp cho giới tư bản trong và ngoài nước và chủ yếu là cho những ông chủ cũ thuộc tầng lớp thượng lưu được hưởng lợi, trong khi hơn 25% số dân nước này vẫn sống dưới mức nghèo, nhất là ở nông thôn. Mô hình liên kết kinh tế công nghiệp - nông nghiệp từng thành công đã bị tan vỡ sau biến động chính trị ở Đông Âu. Hiện nay, hầu hết các nông trại nhỏ chỉ có khả năng đủ cung ứng cho sinh hoạt. Gần một nửa triệu người đã rời khỏi đất nước ra nước ngoài kiếm sống kể từ năm 1990. Tỷ lệ thất nghiệp là 12%, ở giới trẻ lên tới 16%. Giá điện tăng mạnh chỉ là một nguyên nhân mới nổi, nhưng đã kích hoạt các cuộc biểu tình bạo động trên đường phố. Các cuộc biểu tình do các nhà hoạt động chính trị tổ chức đòi thay đổi hệ thống chính trị, nhưng họ vẫn chưa biết chọn lực lượng nào sẽ lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Nhà xã hội học O.Min-tơ-xép nhận xét rằng, khác với cuộc khủng hoảng năm 1996-1997, các cuộc biểu tình hiện nay không có một sự lựa chọn đường hướng chính trị rõ ràng nào. Những người tổ chức biểu tình đòi tham gia một tỷ lệ 50% trong tất cả các cơ quan quản lý nhà nước. Về mặt chính trị, họ yêu cầu bầu cử một Quốc hội mới để sửa đổi Hiến pháp. Kỳ bầu cử theo kế hoạch sẽ tổ chức vào tháng 7 tới, nhưng có khả năng sẽ phải tiến hành sớm hơn vào tháng 4. Ông Bô-ri-xốp thừa nhận, sau khi Chính phủ của ông từ chức, những người thuộc đảng Xã hội đối lập là lực lượng mạnh thứ hai trong Quốc hội, đã không chịu đứng ra lập chính phủ mới và Chủ tịch đảng này S.Xta-ni-xép kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn. Cuối cùng, Tổng thống R.Ple-ne-li-ép đã quyết định bổ nhiệm một chính phủ lâm thời trong đó không có người thuộc đảng của ông Bô-ri-xốp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những người xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng dân chủ xã hội có nhiều khả năng giành được ưu thế tại cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Tuy nhiên, các nhà xã hội học cho rằng, tình hình hiện tại ở Bun-ga-ri "là không thể quản lý được". Bộ trưởng Ngoại giao Đức G.Ve-xtơ-vê-lơ đã phải lên tiếng kêu gọi tất cả các đảng phái và lực lượng chính trị ở Bun-ga-ri cần có trách nhiệm chung và cùng nhau tìm kiếm một giải pháp cho tình hình đất nước, cũng là vì tương lai của EU.

Các bài liên quan:

http://phadocongtrinh.co/thu-mua-giay-phe-lieu/a206548.html

Tin quốc tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Báo thế giới, nơi cung cấp các tin tức nóng hổi nhất quốc tế